Chuyện nghề báo của những phóng viên vùng cao ở Bắc Yên
Lượt xem: 42
Nhắc đến nghề báo, không ít người sẽ hình dung về một lĩnh vực nghề nghiệp có nhiều thú vị, điều đó có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Với các phóng viên vùng cao thường xuyên tác nghiệp ở nơi có điều kiện kinh tế, xã hội và giao thông đi lại khó khăn thì công việc còn chứa đựng nhiều nỗi nhọc nhằn, vất vả mà chỉ có lòng yêu nghề mới có thể giúp họ vượt qua mọi khó khăn để đến với dân, lắng nghe ý kiến của dân, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Đảng, chính quyền và ngược lại.
Nhắc đến nghề báo, không ít người sẽ hình dung về một lĩnh vực nghề nghiệp có nhiều thú vị, điều đó có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Với các phóng viên vùng cao thường xuyên tác nghiệp ở nơi có điều kiện kinh tế, xã hội và giao thông đi lại khó khăn thì công việc còn chứa đựng nhiều nỗi nhọc nhằn, vất vả mà chỉ có lòng yêu nghề mới có thể giúp họ vượt qua mọi khó khăn để đến với dân, lắng nghe ý kiến của dân, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Đảng, chính quyền và ngược lại.

Trong những năm qua, Đài TT-TH huyện nay là Trung tâm TT-VH huyện Bắc Yên đã có nhiều cố gắng làm tốt chức năng thông tin để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của công chúng. Trong đó, có đóng góp quan trọng của đội ngũ phóng viên thường xuyên bám nắm địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

Khi mới vào nghề báo, đối với mỗi phóng viên, tự trang bị cho mình những kiến thức là điều cần thiết nhưng kinh nghiệm tác nghiệp tại vùng cao hay các địa bàn còn nhiều khó khăn vẫn là một trong những trở ngại lớn. Bên cạnh phương tiện tác nghiệp, tư trang để chuẩn bị cho những chuyến đi kéo dài vài ngày, phóng viên vùng cao cần tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán hay kỹ năng hòa nhập với đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn sáng tạo được tác phẩm báo chí, phóng viên phải đi thực tế tại hiện trường, đến các xã, bản tiếp cận thông tin một cách chân thực và cụ thể mới có được những chất liệu sống động, hiệu quả nhất truyền tải đến công chúng.

anh tin bai

Phóng viên Hạng Chờ La tác nghiệp tại Hội nghị đối thoại của UBND huyện

 

Sinh ra lớn lên tại xã vùng cao Xím Vàng, huyện Bắc Yên, có gần 18 năm trong nghề, anh Hạng Chờ La, phóng viên Trung tâm TT-VH huyện Bắc Yên đã luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi mới bước chân vào nghề báo, với nhiệm vụ là biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Mông, tuy chưa được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ nghề báo thực sự bài bản, chuyên nghiệp thế nhưng anh đã nêu cao ý thức tự học hỏi, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, dù thực hiện loại hình báo chí nào, từ báo nói, báo viết, báo hình đến quay phim, dựng phim, biên tập viên… anh đều hoàn thành tốt. Ngoài thực hiện nhiệm vụ phóng viên, anh Hạng Chờ La còn đảm nhận công tác biên tập, biên dịch, phát thanh viên sản xuất các chương trình truyền thanh tiếng Mông phục vụ nhu cầu nghe đài của bà con.

Anh Hạng Chờ La, Phóng viên Trung Tâm TT-VH huyện Bắc Yên, Sơn La chia sẻ: “Với trách nhiệm được giao là phóng viên, rồi đảm nhận biên tập sản xuất chương trình Tiếng Mông thì tôi luôn làm sao để có những chương trình hay đưa đến công chúng được nghe những thông tin, những chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đối với nghề báo tôi luôn xác định huyện Bắc Yên là một huyện còn một số bản còn nhiều khó khăn, do đó tôi luôn chăn trở làm sao có những tin, bài hay chất lượng, dù là khó khăn nhưng tự hào là được làm nghề báo khi đi các bản vùng sâu, vùng xa được bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ với lại là người dân tộc Mông do đó cách giao tiếp cũng rất là thuận với địa bàn đồng đồng bào dân tộc Mông của huyện Bắc Yên”.

anh tin bai

Phóng viên Phạm Thị Phượng tác nghiệp tại cơ sở

 

Còn đối với chị Phạm Thị Phượng, đã có gần 20 năm gắn bó với nghề báo tại huyện vùng cao Bắc Yên. Bản thân là nữ, làm việc trong môi trường nghề đòi hỏi sự lăn lộn, tác nghiệp chủ yếu tại những địa bàn khó khăn, nhưng chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong suốt thời gian làm báo ở cơ sở, chị đã có hàng trăm chuyến đi thực tế và gặp không ít khó khăn, trở ngại trong qua trình tác nghiệp, để lại cho chị không ít kỷ niệm khó quên.

Chị Phạm Thị Phượng, Phóng Viên Trung Tâm TT-VH huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: “Kỷ niệm khó quên nhất đó là chuyến công tác năm 2018 khi đi vận động các hộ dân ở Hồng Ngài di cư tự do đi bản Suối Kếnh, xã Mường Bang của huyện Phù Yên. Huyện Bắc Yên đã thành lập đoàn công tác do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn cùng với các đồng chí ban ngành khác đã đi lên bản Suối Kếnh, xã Mường Bang để vận động các hộ dân di cư tự do quay trở về địa phương. Sau chuyến đó về là tôi bị đau chân mất gần 1 tháng, chuyến công tác đó đi bộ khá là nhiều, cả đi và về là mất gần 5 tiếng đồng hồ đi bộ, mà đường đèo băng rừng lội suối, về là cũng ốm, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của bản thân tôi”. 

anh tin bai

Phóng viên tác nghiệp tại một mô hình phát triển kinh tế ở cơ cở

 

Là huyện vùng cao miền núi, dân cư phân bố rải rác, địa hình đồi núi giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trước những khó khăn đó, nỗi vất vả của phóng viên khi tác nghiệp ở cơ sở như nhân lên gấp bội. Tác nghiệp ở vùng cao, mỗi phóng viên phải đi những quãng đường đèo dốc dài hàng chục cây số để đến hiện trường, chi phí đi lại nhiều khi cao hơn cả nhuận bút của mỗi tác phẩm được phát sóng. Vượt lên tất cả, họ vẫn đam mê và nhiệt huyết với nghề, luôn là cầu nối thông tin, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống; là “điểm hẹn” kết nối tiếng nói, tâm tư người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chị Hoàng Thị Sây, Phóng viên Trung Tâm TT-VH huyện Bắc Yên, Sơn La chia sẻ: “Đối với địa bàn huyện Bắc Yên là một huyện còn rất nhiều khó khăn, địa bàn rộng và phức tạp, đối với nữ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Thứ nhất để sắp xếp ổn thoả gia đình và công việc chuyên môn thì cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, khi thực hiện công tác chuyên môn trong quá trình di chuyển đi lại giữa địa bàn các xã, bản khó khăn thì chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là đường xá xa xôi và địa hình hiểm trở, qua sông, qua đò trong quá trình tác nghiệp nghiệp thì cũng gặp một số điều cản trở nhất định ngay cả với các phóng viên nam. Trong quá trình công tác thì tôi cũng có một số chia sẻ cũng như là tâm tư nguyện vọng mong rằng cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Yên sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác truyền thông. Thứ hai sẽ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp để chúng tôi thực tốt hơn nhiệm vụ của mình”.

anh tin bai

Các phóng viên Trung tâm TT-VH Bắc Yên phỏng vấn lãnh đạo xã

 

Vượt lên những nhọc nhằn của nghề báo nơi vùng cao Bắc Yên, các đồng chí phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Trung tâm TT-VH huyện vẫn đang ngày đêm miệt mài, khắc phục khó khăn, bằng trách nhiệm và lòng yêu nghề, phản ánh kịp thời những tin tức sự kiện, những thông tin quan trọng đến với công chúng.

Ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La cho biết: “Trong thời gian vừa qua thì Trung tâm Truyền thông - Văn hóa của huyện Bắc Yên cũng đã kịp thời đưa thông tin tuyên truyền đến bà con nhân dân trên địa bàn các xã vùng cao, các nội dung về chủ trương đường lối, chính sách Pháp luật của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt như xã Hang Chú có các mô hình như là cây táo Sơn tra, cây Thảo quả và một số mô hình như Sa nhân. Trong thời vừa qua cũng kịp thời thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, qua đó góp phầnlàm giảm thiểu tranh chấp, cũng như các vụ việc xảy ra trên địa bàn của các xã vùng cao của huyện Bắc Yên”.  

Để đưa được những thông tin mang hơi thở, nhịp sống đến với công chúng, Ban lãnh đạo Trung tâm TT-VH huyện Bắc Yên đã phân công từng phóng viên phục trách từng lĩnh vực, địa bàn các xã, kịp thời nắm bắt những thông tin, sự kiện diễn ra trên địa bàn để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp nhận và hưởng thụ thông tin của người dân.

Ông Đinh Mai Sao, Phó giám đốc Trung Tâm TT-VH huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: “Trong những năm qua anh em cũng đã phân công cho các phóng viên bám nắm  các địa bàn để truyền tải những thông tin của cơ sở kịp thời phản ánh những sự kiện nổi bật tại các cơ sở, nhất là vùng cao, vùng xa. Thứ hai là chủ động gắn kết với cơ sở truyền tải và tuyên truyền những chủ trường, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời đến bà con nhân dân ở địa phương. Thứ 3 quán triệt anh em với chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện phản ánh tâm tư nguyện vọng hoặc những gương điển hình tiến tiến, nhất là vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng”.

anh tin bai

Các Phóng viên, Biên tập viên chăm chú với công việc

 

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, những người làm báo nơi vùng cao Bắc Yên vẫn đang không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng tác nghiệp, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên đổi mới cả về nội dung và hình thức tác phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như nhu cầu tiếp nhận thông tin của đông đảo công chúng; góp phần đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng, xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, xứng đáng là cơ quan thông tin, tuyên truyền chủ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên./.

Tác giả: Hàng A Chớ (Trung tâm TT-VH Bắc Yên)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập